Lũa cây có ở suối, núi và đồng bằng, những lũa cây nằm ở đáy suối hoặc ngang dòng suối chảy, được nước suối sói mòn thường là những cây lũa đẹp, có độ đen bóng, có thời gian tương đối dài vì chục năm có khi hàng trăm năm. Loại này được giữ lâu bền, chính vì vậy mà có giá trị cao, những lũa cây trong các khu rừng sâu, trên đèo núi, có nhiều chủng loại, về sáng thế cũng đa dạng, màu sắc uyển chuyển theo mùa của muôn ngàn cây rừng.
Gỗ lũa rất cứng, vì vậy việc tạo hình sản phẩm đòi hỏi nghệ nhân phải rất kiên nhẫn với từng nhát dao, đường khắc. Nghệ nhân tỉ mẩn gọt giũa, có khi phải mất mấy ngày chỉ để chuốt một cái đuôi con rắn đang quấn vào một thân cây hay cần cả buổi để đẽo một cái miệng con sư tử đang há ra dữ tợn...
Sau khi có nguyên liệu, bắt đầu quá trình chế tác. Đối với những gốc còn tươi, cần 1- 2 tháng để khô và bớt nhựa. Sau đó, người ta phải khéo léo gọt bỏ phần vỏ ngoài và phần mềm sát vỏ, chỉ lấy phần lõi cây, đó chính là gỗ lũa.
Từ gỗ lũa, bắt đầu quá trình tạo dáng sản phẩm. Lúc này, nghệ nhân phải cân nhắc, suy ngẫm thật kỹ để chọn lựa hình dáng, thế lũa. Có những khi, chỉ một gốc cây mà băn khoăn mãi, đến cả mấy tháng trời mà vẫn chưa tìm ra ý tưởng gì hay.
Gỗ có kích thước lớn, thường được tạo mặt bàn nước. Điều kiện đầu tiên là gốc phải có thế đứng vững, cân bằng. Bề mặt bàn phải phẳng, còn hình dáng mặt bàn lại tuỳ theo trí tưởng tượng của những người nhìn ngắm chúng. Có người nói rằng đó là hình một con cá đang bơi, người khác bảo là một con hà mã.
Phần chân bàn cũng có nhiều dáng vẻ. Khi là một con rồng, lúc lại là con báo vồ mồi, khi khác là một thợ săn đang giương cung... Ghế ngồi cũng “thiên hình vạn trạng”: cái đầu ngựa, một con hươu hoặc một chú kỳ đà đang bám trên một khúc gỗ nhỏ. Đôi khi, chỉ đơn giản là hai thanh gỗ khác màu quấn vào nhau...
Thông thường, để tạo ra một bộ bàn ghế, phải mất ít nhất từ 1- 2 tháng. Bởi vì, không chỉ tạo hình và điêu khắc, nghệ nhân còn phải qua nhiều công đoạn khác nhau như chuốt gỗ, làm bóng, đánh vecni.. Công đoạn nào cũng cần sự tỉ mỉ, cẩn thận đển trau chuốt và sự cảm nhận nghệ thuật tinh tế. Sau khi đã hoàn chỉnh, các sản phẩm này có thể có độ bền vĩnh cửu. Có những bộ bàn ghế để ngoài trời, mặc mưa to gió lớn, dù bị dầm nước lũ cả tháng vẫn chẳng hề gì.
Sản phẩm từ gỗ lũa rất đa dạng, như: rồng, hươu, chim, chùm nho, con sóc, mặt người .. hoặc tạo dáng như nhất sơn, nhị sơn, tam sơn, thế trực, thế huyền..., hoặc bàn ghế, lục bình, gương trang trí...
Làm ra được sản phẩm gỗ lũa không giống như sản xuất đồ gỗ thông thường. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm đơn chiếc, có thời gian và cách thức làm khác nhau, hầu hết làm bằng phương pháp thủ công, không thể dùng công nghệ để sản xuất hàng loạt được, người làm gỗ lũa ngoài trí tuệ, khả năng sáng tạo, năng khiếu trình độ tạo hình còn cần có bàn tay khéo léo để biến ý tưởng thành hiện thực.Chính vì vậy, giá thành của sản phẩm không phụ thuộc vào kích cỡ mà ở giá trị nghệ thuật, sự kết tinh từ bàn tay, khối óc con người. Do đó có tác phẩm giá vài trăm ngàn đồng, có tác phẩm lên tới vài triệu đồng, có khi vô giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét